Phạm Thượng Hiền
Với bài thơ
BÊN SÔNG NINH NHỚ MẸ
Chiều nay bên sông Ninh
Cỏ may níu chân tôi
Nhắc nhớ ngày thơ bé
Ngắm dòng sông hiền hòa
Nao lòng tôi nhớ Mẹ .
Mẹ ơi !
Thân vạc thân cò lặn lội sớm hôm
Vất vả gian lao lo con đứt bữa
Năm đói bốn lăm làng ra đi quá nửa
Đời Mẹ chín lần sinh mất sáu còn ba
Quặn lòng đau tiếng nấc Mẹ vỡ òa …
Lo manh áo bát cơm
Cha đi phu lò , Mẹ đi ở vú
Thương con mình sữa căng không được bú
Bấm từng cữ con ngằn ngặt khóc đòi
Khắc khoải đợi Cha về bên bậu cửa mẹ ơi !
Lòng Mẹ như phù sa chắt chiu bồi đắp
Gắng nuôi con ăn học nên người
Nay con được đi khắp bốn phương trời
Mở rộng tâm hồn khơi dậy ước mơ .
Ôi ! Con sông Ninh Cơ
Vơi đầy bao thương nhớ
Thắm đượm tình Cha ,
Xót xa lời ru lẩy Kiều của Mẹ
Đâu rồi mái nhà xưa ,
Đâu rồi con đò chở chữ cho tôi ngày thơ bé
Chỉ thấy hoa cỏ may níu bước chân tôi
Chỉ thấy dòng sông mang hình Mẹ xa vời …
27/5/2007
Những bài thơ viết về Mẹ , thường là những bài thơ rất hay . Ngay từ khi chưa lọt lòng Mẹ . Người ta đã cảm nhận được giọng nói , những cử động , tình cảm của người Mẹ .Sau khi chào đời , dòng sữa Mẹ hơi ấm của Mẹ . đôi vú căng sữa , ấm áp , luôn luôn gắn với đôi môi hồng tươi ,niềm vui thỏa mãn và sự tin cậy của bé .Nụ cười và tiếng khóc của bé luôn gắn với đôi bầu vú Mẹ . Tình yêu của người Mẹ , Sự hy sinh vô bờ bến của người Mẹ luôn gắn liền với tuổi thơ tươi đẹp , mộng mơ của mỗi con người chúng ta . Chính vì vậy , tinh cảm của các nhà thơ đối với Mẹ , với quê hương luôn là cảm hứng vô tận , sâu lắng và cảm động . Dù năm tháng qua đi, dù qua bao thăng trầm của cuộc đời mỗi con người , ngay cả khi người Mẹ không còn trên thế gian này nữa , thì hình ảnh người Mẹ luôn thường trực và nằm trang trọng trong miền kí ức sâu lắng nhất của tình cảm và nỗi lòng của mỗi con người chúng ta .
Trúc Thông có một câu thơ với nỗi nhớ mênh mông , da diết khi Mẹ ông qua đời
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối …một lần về cuối thôi
Về thăm lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh …
Còn Đổng Đức Bốn thì khóc Mẹ
Trở về với Mẹ ta thôi
Giữa bao la một khoảng trời đắng cay
Mẹ không còn nữa để gầy
Gió không cồn nữa để say tóc buồn
Bài thơ Bên sông Ninh nhớ Mẹ cũng là bài thơ hay nhất trong những tập thơ của Phạm Thượng Hiền . Bài thơ làm theo thể tự do có vần , tuy không mượt mà , mềm mại như thơ lục bát , nhưng lại nói hết được những điều nhà thơ muốn nói .
Phạm Thượng Hiền sinh ra không được may mắn như những trẻ em khác cùng lứa . Mới sinh ra đã không được hưởng dòng sứa thơm tho của Mẹ
Cha đi phu lò , Mẹ đi ở vú
Thương con mình sữa căng không được bú
Bấm từng cữ con ngằn ngặt khóc đòi
Cảnh tượng thật nao lòng ! Người Mẹ phải đi ở vú để nuôi con , nhưng con mình lại không được bú dòng sữa Mẹ , cái trớ trêu của cuộc đời là ở chỗ đó . Người Mẹ đi ở vú , nuôi con người khác , bầu vú căng đày , tức sữa ,bà Mẹ biết rằng giờ đó con mình đang đói sữa . Bà bấm đốt ngón tay từng cữ thời gian đứa con thơ dại của mình đã đến giờ bú sữa , đang khóc ngằn ngặt đòi ăn , nhưng đâu có sữa , trong khi bầu vú của mình thừa sữa căng tức , phải vắt bỏ đi .Những đứa con thơ dại giờ này chắc chỉ được bát cháo loãng hoặc củ khoai , củ sắn . Cái nỗi đau đó người Mẹ phải nuốt vào trong , nó cứ chồng chất , chồng chất mãi lên , tức tưởi trong lòng . Những đứa con thơ dại tự nuôi nhau , khắc khải đợi Cha Mẹ về trong nỗi tuyệt vọng . Cái thời khắc khó khăn của đất nước , của những con người nông dân lam lũ , bị phát xít Nhật bắt nhổ lúa trồng đay , gây ra cái chết của hàng triệu người Việt Nam năm 1945. Và sự nghèo túng còn dai dẳng bám theo những người nông dân nghèo khổ , lam lũ một nắng hai sương suốt những năm sau đó . Chiến tranh , đói kém , mất mùa … Phạm Thượng Hiền đã sinh nhầm vào những thời khắc khó khăn này của quê hương , đất nước và con người Việt Nam .
Mẹ ơi !
Thân vạc thân cò lặn lội sớm hôm
Vất vả gian lao lo con đứt bữa
Năm đói bốn lăm làng ra đi quá nửa
Đời mẹ chín lần sinh mất sáu còn ba
Quặn lòng đau tiếng nấc Mẹ vỡ òa …
Cha Mẹ anh lặn lội thân cò , sáng đi mặt trời chưa dậy , tối về gà đã lên chuồng từ lâu , lo cho đàn con khỏi đứt bữa , bữa đói bữa no , nhưng đói rét vẫn không tha , chín người con mất sáu còn ba . Trái tim người mẹ nào có thể chịu đựng được nỗi đau này , nỗi đau nín chịu lâu ngày , nó cứ đẩy lên , đẩy lên , rồi bung ra vỡ òa , xé toang nỗi chịu đựng của con người . Các bà Mẹ trong những điều kiện đó , hoàn cảnh đó không gục ngã , sống được là một điều thần kỳ . Có lẽ các bà Mẹ sống được vì tình yêu đối với con cái , vì sự sống còn của các con mình , chứ không phải của bản thân mình .
Phạm Thượng Hiền sinh ra sau thời kỳ này mấy năm . Những cây đước , cây sú , cây vẹt mọc lên từ bùn lầy , từ phong ba bão táp , khó khăn , thường mạnh mẽ và có sức sống mãnh liệt . Anh thanh niên Phạm Thượng Hiền cũng vậy , Từ trong khó khăn , gian khổ anh đã vươn lên , bên người Mẹ vượt qua nghèo đói , chắt chiu , hy sinh tuổi thanh xuân để nuôi anh ăn học nên người .
Lòng Mẹ như phù sa chắt chiu bồi đắp
Gắng nuôi con ăn học nên người
Phạm Thượng Hiền trưởng thành từ trong gian khổ . Anh đứng lên từ nắng của quê hương , từ ngọn lửa rực cháy trong trái tim người Mẹ , từ lòng vị tha bao dung của người Cha
Nay con được đi khắp bốn phương trời
Mở rộng tâm hồn khơi dậy ước mơ
Trở về với con sông Ninh Cơ ngày nào , vào một buổi chiều heo may buồn , những kỉ niệm xa xưa lại dội lên trong kí ức anh sống động như đang xảy ra trước mắt .
Chiều nay bên sông Ninh
Cỏ may níu chân tôi
Nhắc nhớ ngày thơ bé
Cỏ may tượng trưng cho sức sống truyền đời . Nó thích nghi với mọi điều kiện , hoàn cảnh , thổ nhưỡng , đất đai , khí hậu ,sống được ở khắp mọi nơi . Cỏ may gắn với tuổi thơ nghịch ngợm , vô tư lự . Nó gắn liền với những vết chích xon xót , ran rát , theo sau đó là sự la mắng của Mẹ Cha , rồi ngồi gỡ từng bông cỏ may cho mình và cho bạn mình , cười như nắc nẻ với nhau . Không phải vô tình mà người thơ nhắc đến cỏ may , anh và gia đình mình đã sống bên nó , cùng nó , như nó , cùng với dân làng ở vùng đất bên con sông Ninh Cơ . Về đây , người đầu tiên anh nhớ đến là Mẹ anh , một nỗi nhớ mênh mông , da diết đến nao lũng
Ngắm dòng sông hiền hòa
Nao lòng tôi nhớ Mẹ
Nhớ đến Mẹ , anh nhớ đến cuộc đời của Mẹ anh trong những năm tháng cha đi phu lò . Trước mắt chúng ta cảnh người chồng đi phu lò than , vất vả kiếm miếng cơm manh áo cho cả gia đình , cứ biền biệt ở phương trời xa . Người vợ ở nhà ngóng chờ chồng , tuổi xuân cứ trôi đi , trôi đi …Bên bậu cửa ngóng ra trước ngõ , chỉ thấy bóng chim trời lướt qua và bóng tà dương dần khuất ngày này qua ngày khác , còn bóng người mình chờ đợi thì vẫn cứ biền biệt , biền biệt …
Khắc khoải đợi cha về bên bậu cửa , Mẹ ơi !
Sự hy sinh chắt chiu của người Mẹ , sự phấn đấu vươn lên không ngừng của người trai bên sông Ninh Cơ hiền hòa , thơ mộng , dòng sông đó gắn bó anh với bao kỉ niệm vui buồn , nay đã được đền đáp xứng đáng . Anh trở thành hội viên Hội nhà báo Việt Nam , Chủ tịch CLB thơ TP Hà Nội , ủy viên Ban chấp hành TW Hội Hữu nghị Việt Nam - Camphuchia , Chánh văn phòng Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Song Hiền . Trước khi nghỉ hưu anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba .
Ngần ấy đủ để một con người nay đã về hưu thanh thản , vui vẻ giao lưu thơ ca với bạn bè .Ấy là ta tưởng như vậy thôi. Trong lòng anh vẫn khắc khoải một nỗi nhớ thương Cha Mẹ , một nỗi nhớ quê hương mênh mông , da diết , nhớ con sông Ninh Cơ tắm mát tuổi thơ ,đã có biết bao kỉ niệm bên dòng sông nhỏ bé , nước trong xanh , êm đềm và cũng đầy sóng gió này . Dòng sông Ninh Cơ mang theo nỗi nhớ , mang hình bóng Mẹ anh trôi đi tới miền xa vời vợi , biền biệt , biền biệt …
Ôi ! Con sông Ninh Cơ
Vơi đầy bao thương nhớ
Thắm đượm tình Cha
Xót xa lời ru lẩy Kiều của Mẹ
Đâu rồi mái nhà xưa
Đâu rồi con đò chở chữ cho tôi ngày thơ bé
Chỉ thấy dòng sông mang hình Mẹ xa vời …
Bài thơ Bên sông Ninh nhớ Mẹ như một câu chuyện kể , có đầy đủ nhân vật và sự kiện . Kể về cuộc đời và gia đình nhà thơ Phạm Thượng Hiền và cũng là cuộc sống của những gia đình nông dân thời đó .
Để làm được một bài thơ tự do hay là một việc rất khó . Với óc quan sát tinh tế , lựa chọn câu chữ thích hợp , Phạm Thượng Hiền đã làm sống dậy một thời kỳ khó khăn gian khổ nhất của người nông dân Việt Nam , sự chịu đựng vô bờ bến của những người Mẹ , người Cha , sự vươn lên của những người thanh niên thời kỳ đầu cách mạng . ./.
Lê Thanh Long